Năm 2017, các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống tăng bất ngờ về số lượng tiếp nhận, tạo đà cho xuất khẩu lao động vượt kế hoạch, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam đi làm việc tại quốc gia có điều kiện tốt, thu nhập cao trong năm 2018.
Kỷ lục từ trước tới nay
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2017, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt hơn 130 nghìn người, vượt trên 28% so với kế hoạch đề ra và đạt con số kỷ lục từ trước đến nay trong lĩnh vực này. Đây là năm thứ 4 liên tiếp xuất khẩu lao động đạt trên 100.000 người và đạt kỷ lục mới.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) Tống Hải Nam chia sẻ, mục tiêu của năm 2017 là đưa 105.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng nhờ sự chủ động, chấn chỉnh nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp nên số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt xa kế hoạch đặt ra.
Nhiều lao động có trình độ chuyên môn được phía đối tác đánh giá cao
Theo đánh giá của Cục Quản lý lao động ngoài nước, với tốc độ tăng trưởng như trên, năm 2018 hứa hẹn sẽ có thêm nhiều cơ hội cho người lao động. Bên cạnh, việc phái cử lao động phổ thông, thì cánh cửa tiếp nhận lao động có trình độ cao của Việt Nam ngày càng rộng mở.
Những chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên, hộ lý sang Nhật Bản, Đức đang được triển khai khá thuận lợi và được đánh giá tốt từ phía đối tác. Với xu hướng ổn định thị trường truyền thống và mở rộng đưa lao động vào các thị trường có thu nhập cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Australia, tạo điều kiện phát triển việc làm an toàn, thu nhập cao cho lao động Việt Nam.
Ngoài ra, một số thị trường như Thái Lan, Arab Saudi… cũng mở ra nhiều cơ hội mới với nhiều ưu đãi hấp dẫn cho lao động Việt Nam. Mới đây, Bản ghi nhớ về hợp tác lao động và Thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận lao động giữa Chính phủ Việt Nam và Thái Lan đã được ký kết.
Theo đó, người lao động Việt Nam đi làm việc tại Thái Lan không phải trả tiền môi giới. Khoản tiền này sẽ do chủ sử dụng lao động Thái Lan trả cho công ty môi giới Thái Lan.
Xử lý nghiêm các hành vi môi giới lừa đảo
Theo đánh giá của các chuyên gia, những năm gần đây, hoạt động xuất khẩu tăng trưởng khá mạnh, thu nhập của người lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về nước tăng dần qua các năm, tiếp tục góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động đang diễn biến phức tạp. Một số doanh nghiệp vi phạm quy định về xuất khẩu lao động, như: không trực tiếp tuyển dụng lao động, cho người khác sử dụng giấy phép, lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền trái phép, đưa lao động ra nước ngoài làm việc nhưng không đăng ký hợp đồng cung ứng lao động…
Vi phạm của các doanh nghiệp không chỉ xâm hại quyền lợi của người lao động mà còn ảnh hưởng tới uy tín của lao động Việt Nam với đối tác nước ngoài. Để nâng chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, Bộ sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Xây dựng những quy định và điều kiện chặt chẽ về quy định cấp phép để chỉ những doanh nghiệp thực sự đáp ứng đủ và bảo đảm duy trì các điều kiện theo quy định của pháp luật mới được tham gia hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài.
Trong thời gian tới, Bộ cũng sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm và cả các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Bộ sẽ kiên quyết xử lý các doanh nghiệp tuyển chọn lao động thông qua môi giới, cò mồi, thu phí vượt mức quy định hoặc thu tiền nhưng không đưa được lao động đi, không bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Trường hợp phát hiện các doanh nghiệp không duy trì việc đáp ứng các điều kiện hoạt động, sẽ thu hồi giấy phép theo quy định của pháp luật.